Dạy học có cần đòn roi?

Trước kia, một số thầy cô giáo sử dụng đòn roi như một phương pháp giáo dục nghiêm khắc đối với những học sinh "cá biệt". Thực tế đã có một thời học sinh ngoan hơn khi bị thầy cô xử phạt bằng đòn roi một cách hợp tình hợp lý. Nhưng trước vụ việc của thầy giáo ở Thái Nguyên, nhiều người tự đặt ra câu hỏi, liệu phương pháp giáo dục ấy có còn phù hợp ?
Cũng có ý kiến ủng hộ áp dụng cách dạy bằng roi, nhưng đại đa số phản đối với cách dạy mang tính bạo lực và có ảnh hưởng xấu tới tâm lý của trẻ. Hình thức áp đặt trẻ sẽ khiến trẻ bị tổn thương và càng tỏ ra không hiểu, hoặc cố tình không hiểu vì sao mình lại bị phạt như thế. Mạch nguồn từ những suy nghĩ đó, trẻ sẽ trở nên lỳ hơn và có những hành vi chống đối.
Chắc chắn rằng, trong cuộc đời làm học sinh của mình, không ai trong chúng ta chưa từng mắc lỗi. Mỗi lần như thế, học trò đều trông chờ vào thái độ xử phạt của thầy cô giáo. Lơ là bỏ qua học sinh sẽ "quá trớn", không nhận ra khuyết điểm của mình và có thể sẽ tiếp tục vi phạm. Cần có kỷ luật nghiêm khắc đối với trẻ chưa ngoan, nhưng đó phải là phương pháp kỷ luật mang tính giáo dục, kỷ luật tích cực. Người lớn cần nhận thức rằng dùng đòn roi và các hình phạt nặng nề là một hành vi thiếu văn hóa mang tính chất bạo lực bị xã hội lên án. Kỷ luật tích cực là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, phân tích cái sai, cái đúng, để học sinh thấy giáo viên, cha mẹ là chỗ dựa về mặt tinh thần. Từ đó, tâm lý của các em cũng có biểu hiện tốt hơn và có lòng tin vào những người dạy dỗ mình. Tự hiểu thế nào là chưa tốt, thế nào là sai đó cũng là lúc các em sẽ tự thay đổi nhận thức, chủ động trong việc thay đổi hành vi, phát huy các giá trị tích cực của mình.
Thiết nghĩ, việc mắc khuyết điểm được coi như lỗi tự nhiên của quá trình học tập và phát triển. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của nền giáo dục là làm thế nào để học sinh nhận thức được bản thân, tự kiểm soát hành vi, thái độ. Khi học sinh mắc lỗi, thầy cô giáo, cha mẹ cần chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình thay vì quát nạt.
Có thể, nhiều thầy cô giáo được bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ sư phạm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có nhiều người sẽ nắm bắt được tâm lý của từng lớp học trò nhưng không phải ai cũng có thể vận dụng được phù hợp với từng đối tượng. Để làm được nó không hề là điều đơn giản. Sự ân cần, sẻ chia với học trò cần xuất phát từ một trái tim có tâm và cái đầu có tài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét